Công ty TNHH Sơn Hải Vân là doanh nghiệp chuyên sản xuất các loại sơn cao cấp phục vụ cho lĩnh vực hàng hải và công nghiệp như sơn Epoxy, sơn sàn bê tông, sơn chống cháy, sơn silicate sơn chịu nhiệt… và nhiều sản phẩm sơn dân dụng khác nhằm phục vụ cho các nhu cầu đóng mới, sửa chữa tàu biển.
Với nền tảng thực hành tốt 5S từ năm 2018 và liên tục duy trì cho đến nay, Công ty TNHH Sơn Hải Vân đã quyết định tham gia chương trình thực hiện TPM (Duy trì hiệu suất tổng thể) với các trụ cột Bảo trì tự quản (AM) và Bảo trì theo kế hoạch (PM).
Nhằm tăng cường sự kết nối giữa người vận hành và bộ phận bảo trì, hướng đến mục tiêu cùng quản lý, chăm sóc máy, các thành viên ban TPM đã thực hiện một loạt các hoạt động như: Soạn lại hướng dẫn vận hành máy nghiền, máy đánh paste; xây dựng “Bài học một điểm” (OPL) về hướng dẫn vận hành an toàn; treo thẻ TPM khi phát hiện sai lỗi…
Dựa trên trụ cột Bảo trì tự quản, một số công việc đã được cán bộ, nhân viên công ty đưa vào danh sách thực hiện hàng ngày:
– Kiểm tra thiết bị
– Thực hiện các hoạt động bảo dưỡng nhỏ
– Kẻ vạch, làm biển dấu hiệu, có đánh mã số máy PL01, PL02, việt hóa tên tủ điện;
– Soạn thảo lại Hướng dẫn vận hành tại các máy nghiền; máy pha loãng và máy đánh paste;
– Ghi nhận các bất thường vào thẻ TPM và tổng kết số thẻ theo từng nhân viên hàng tháng. Cuối năm, công ty có trao thưởng, ghi nhận theo số lượng thẻ TPM.
Đối với trụ cột Bảo dưỡng theo kế hoạch, ông Nguyễn Văn Điệp – Cán bộ quản lý thiết bị đã chia sẻ về các hoạt động của tổ Cơ điện cho trụ cột này:
– Lập & giám sát kế hoạch bảo dưỡng/sửa chữa. Có đủ 12 tờ kế hoạch bảo trì hàng tháng, trong đó tháng 5 đã cập nhật dựa trên kết quả bảo trì tháng 4.
– Sửa chữa đột xuất/ xử lý sự cố. Đã phân loại 36 sự cố theo 2 nhóm lỗi.
– Thực hiện bảo dưỡng/sửa chữa theo Kế hoạch. Tự đào tạo cách bảo dưỡng máy nghiền.
– Viết Quy trình vận hành, Bài học một điểm và tiêu chuẩn về cách bảo dưỡng
– Thiết bị, linh kiện được tăng cường quản lý và lập báo cáo thay thế vật tư theo mỗi quý.
Bên cạnh đó, Công ty cũng triển khai trụ cột Cải tiến tập trung (FI) với mục tiêu đưa ra các giải pháp để đảm bảo tỷ lệ giao hàng đúng hạn (hạn chế khiếu nại của khách hàng về việc giao hàng trễ hạn). Quy trình cải tiến tập trung tại công ty được bắt đầu với buổi họp nhóm cải tiến: (1) thành lập nhóm cải tiến, thông báo mục tiêu kỳ vọng của lãnh đạo công ty, (2) thảo luận, trao đổi về các quan sát, các số liệu liên quan đến tổn thất; (3) phân tích các tổn thất và lãng phí đang xảy ra tại một công đoạn thí điểm (công đoạn nghiền nguyên liệu). Đã có 39 nguyên nhân được đề xuất sau buổi họp, qua đó, nhóm cải tiến đã phân loại 39 nguyên nhân này về 7 nhóm nguyên nhân cốt lõi; (4) phân tích 5 Why và phân tích 4M đối với các nguyên nhân này. Kết quả phân tích 4M đã giúp nhóm cài tiến đưa ra 5 giải pháp cải tiến về phương pháp quản lý. Những giải pháp kể trên đều không tốn hoặc tốn rất ít chi phí đầu tư. Với đề xuất của nhóm cải tiến tập trung, công ty đã ghi nhận tổn thất, đề xuất 5 nhóm giải pháp cải tiến trong thời gian tới, mang lại hiệu quả giảm tổn thất, lãng phí cho công ty và an toàn cho người lao động.
Kết quả đánh giá TPM tại công ty cho thấy:
1) Chỉ sô hiệu suất tổng thể của thiết bị (OEE) tăng từ 83% lên 96%.
2) Một số quy trình được làm mới và đảm bảo tuân thủ theo yêu cầu (Hướng dẫn vận hành máy, Tổng kết thẻ, Quản lý vật tư dự phòng, báo cáo vật tư thay thế, Quy trình phân tích lỗi sau khi thực hiện bảo trì).
Dựa trên những thành quả thực hiện TPM trong năm 2019, công ty Sơn Hải Vân đã đặt ra mục tiêu cho năm 2020 về tỷ lệ nhân viên tham gia vào hoạt động TPM trong phạm vi triển khai TPM sẽ đạt 100%.