Triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) và định hướng phát triển các sản phẩm chủ lực theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng, sản xuất hàng hóa tập trung và xây dựng được thương hiệu, nhiều huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất. Đánh giá kết quả bước đầu cho thấy năng suất, chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp thí điểm đã được cải thiện, đồng thời giá trị sản phẩm trên thị trường cũng gia tăng.
Điển hình Công ty TNHH Đức Giang tại xã Phú Xuân là doanh nghiệp tiên phong đầu tư sản xuất, chế biến kẹo lạc truyền thống theo quy mô lớn. Với mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm, công ty đã đẩy mạnh áp dụng KHCN vào sản xuất. Theo đó, Công ty đầu tư mua 1 máy sấy thăng hoa, 1 máy cắt và đổi mới 2 dây chuyền đóng túi tự động…
Từ khi ứng dụng những công nghệ này, tỉ lệ pha trộn nguyên liệu đã được bảo đảm với độ chính xác cao. Các thiết bị chế biến, đóng gói hiện đại cũng giúp sản phẩm của công ty cải thiện được mẫu mã, hình thức; kéo dài thời gian bảo quản và ngày càng được nhiều người tiêu dùng đón nhận hơn. Nhờ đó, sau quá trình áp dụng công nghệ, Công ty TNHH Đức Giang đã đạt mức tiêu thụ khoảng 30 tấn kẹo lạc thường, hơn 20 tấn kẹo gạo lức mỗi năm với doanh thu bình quân năm đạt khoảng 3 tỷ đồng.
Một ví dụ khác là Công ty CP Thương mại Hậu Lộc. Mỗi năm, công ty đã sản xuất và tiêu thụ hơn 2 triệu lít rượu các loại. Để chủ động nâng cao chất lượng, công ty đã mở rộng quy mô nhà xưởng, hiện đại hóa quy trình sản xuất rượu đồng thời đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, chú trọng bao bì để tạo niềm tin và thu hút khách hàng.
Cuối năm 2010, Công ty đưa hệ thống thiết bị chưng cất quy mô Pilo vào sản xuất nhờ vậy mà nồng độ andehit, methanol trong sản phẩm rượu Chi Nê giảm, chất lượng sản phẩm được nâng lên. Với những cải tiến đó, sản phẩm rượu Chi Nê của công ty đã được Hội đồng đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP Thanh Hóa xếp hạng 3 sao năm 2019. Trong thời gian tới, công ty còn xem xét mời các chuyên gia tư vấn đưa những công nghệ hiện đại nhất áp dụng vào ngành sản xuất bia, rượu để nâng cao chất lượng sản phẩm và nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường.
Xưởng chế biến dầu lạc Linh Phương (huyện Hà Trung) đầu từ mở rộng sản xuất và các thiết bị máy móc như máy ép lạc tự động, nồi hơi… So với thực hiện thủ công như trước đây, công đoạn ép dầu thực hiện bằng máy nhanh gấp 1,5 lần, sản lượng dầu tăng lên rõ rệt. Hiện nay, sản phẩm dầu lạc Linh Phương không chỉ phục vụ trong tỉnh mà còn được bày bán ở các cửa hàng thực phẩm sạch uy tín ngoài tỉnh.
Qua những ví dụ trên, có thể thấy các doanh nghiệp đã nhận định được việc ứng dụng khoa học công nghệ là yếu tố then chốt để nâng cao sản xuất, tăng chất lượng sản phẩm và ngày càng chú trọng đầu tư. Vì vậy, các cơ quan địa phương cần có những hỗ trợ kịp thời về kỹ thuật, tài chính giúp doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận với công nghệ mới, hiện đại và ứng dụng đạt được hiệu quả cao nhằm thúc đẩy nền kinh tế địa phương trong quá trình hội nhập.