Hiệu quả áp dụng TPM tại Công ty TNHH Công nghiệp Trí Cường

Sau 3 tháng tham gia chương trình hỗ trợ áp dụng TPM của Bộ Công Thương (tháng 10-12/2019), Công ty TNHH Công nghiệp Trí Cường đã thu được lợi ích về quản lý trực quan, tác phong nề nếp nhân viên, quản lý sản xuất và hiệu quả về mặt năng suất thiết bị.

1-16-480x270

Công ty TNHH Công nghiệp Trí Cường đăng ký tham gia chương trình hỗ trợ áp dụng TPM của Bộ Công Thương vào tháng 8/2019 và bắt đầu triển khai TPM từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2019 với 3 trụ cột chính được lựa chọn bao gồm: Bảo trì tự quản, Cải tiến trọng điểm và Giáo dục & đào tạo. Do đăng ký tham gia ở giai đoạn cuối của Chương trình, Tư vấn và ban TPM của công ty chỉ có 3 tháng để nhanh chóng tạo lập nền tảng cho 3 trụ cột triển khai với phạm vi áp dụng tại máy phay CNC 1-2, máy tiện CNC 2 thuộc phòng sản xuất số 1. Dưới đây là một số lợi ích Công ty đã đạt được từ việc áp dụng TPM:

Về quản lý trực quan: Công ty đã cải tiến các biểu mẫu hướng dẫn tiêu chuẩn vận hành, bổ sung biểu mẫu kiểm soát thiết bị (kiểm tra, vệ sinh, bôi trơn, siết chặt) và bố trí trực quan để người vận hành cũng như các cấp quản lý hiện trường có thể dễ dàng kiểm soát.

Về tác phong, nề nếp: Các hoạt động và kết quả TPM được cập nhật hàng tuần vào nhóm làm việc chung trên mạng xã hội Zalo. Người vận hành đã được phân công trách nhiệm rõ ràng các công việc và phạm vi hoạt động nên đã có nỗ lực trong việc tự chăm sóc bảo dưỡng thiết bị (Trụ cột AM) và duy trì tần suất kiểm tra thiết bị hàng ngày. Trong thời gian triển khai dự án TPM, Công ty đã khởi động 1 đề tài cải tiến có sự tham gia của trưởng phòng sản xuất 1, quản lý bộ phận bảo dưỡng thiết bị sản xuất 1, tổ trưởng sản xuất, nhóm trưởng CNC và nhân viên bảo dưỡng.

Về quản lý sản xuất: Đã đào tạo và hướng dẫn các công việc kiểm tra, vận hành thiết bị cho người vận hành thiết bị (2 người phụ trách 2 máy thí điểm) theo trụ cột AM nên máy móc đã được chăm sóc và bảo dưỡng tốt hơn, sạch sẽ hơn. Các giải pháp lâu dài đã được áp dụng thay cho các giải pháp tạm thời trước đây như dùng dây thừng để bó tạm các đường ống, dùng giẻ để xử lý các vị trí rò rỉ nước, rò rỉ khí…

Về hiệu quả năng suất: Giảm được thời gian chuyển đổi sản phẩm thông qua các cải tiến (giảm thời gian rà gá từ 21 phút xuống 15 phút) giúp nâng cao hiệu suất tổng thể thiết bị OEE của máy phay CNC từ 38% (tháng 11) lên 50% (tháng 12) và OEE máy tiện CNC từ 73% (tháng 11) lên 76% (tháng 12).

Về hiệu quả vận chuyển: Đã cải tiến giảm được các hoạt đông di chuyển của người vận hành trong quá trình tác nghiệp do đã bố trí đặt để công cụ dụng cụ và biểu mẫu cũng như các tiêu chuẩn trực quan phù hợp.

Về hiệu quả an toàn: Việc hoạch định lại các công dụng cụ cũng như tiêu chuẩn hóa các thao tác nên mặt bằng hợp lý và rộng rãi hơn, giúp công nhân di chuyển ít hơn từ đó tăng tính an toàn cho công nhân khi tham gia tác nghiệp.

Về hiệu quả đào tạo: Xác định được ma trận năng lực của 2 nhân viên vận hành 2 máy thí điểm để từ đó lên kế hoạch đào tạo nâng cao năng lực năm 2020. Đã bố trí các buổi đào tạo cho các cấp quản lý cũng như cho người vận hành thường xuyên làm cho các hoạt động sản xuất được kết nối chủ động hơn.

Be Sociable, Share!

*

*

Top