Tăng năng suất lao động lên 1,7 lần tại khu vực bao gói, tăng 30% công suất ở bộ phận sản xuất là những lợi ích mà Công ty TNHH Nam Long (Đồng Nai) nhận được khi tham gia Chương trình Áp dụng mô hình cải tiến năng suất tổng thể (TPM) tại các doanh nghiệp (DN) sản xuất công nghiệp của Bộ Công Thương và Viện Năng suất Việt Nam (VNPI).
Loại bỏ lãng phí nhờ sắp xếp lại dây chuyền sản xuất
Là DN chuyên sản xuất găng tay cao su phục vụ sản xuất công nghiệp và tiêu dùng, mỗi năm, Công ty TNHH Nam Long cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước khoảng 25 triệu đôi găng tay các loại. Từ năm 2013, công ty đã chủ động mời chuyên gia tư vấn của Quacert 3 hướng dẫn áp dụng 5S, LEAN. Tuy nhiên, với mong muốn nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, năm 2019, công ty đã triển khai TPM với sự hỗ trợ từ Bộ Công Thương và các chuyên gia tư vấn của VNPI.
Theo đó, Nam Long đã tiến hành sắp xếp, cải tiến lại các công đoạn và quy trình sản xuất tại khu vực bao gói; nghiên cứu và tìm giải pháp tránh lãng phí trong toàn bộ quá trình sản xuất. Thông qua khảo sát, các chuyên gia tư vấn nhận thấy, tại khu vực bao gói, với quy trình làm việc hiện tại, có 6 hoạt động gia tăng giá trị, 5 hoạt động vận chuyển, 8 hoạt động chờ hoặc làm lại, 6 hoạt động kiểm tra. Các hoạt động lãng phí quá nhiều như việc: vận chuyển, đi lại, tháo túi, đóng túi, kiểm tra lại.. Do đó, năng suất ở khu vực này thấp dẫn đến hiệu suất chỉ đạt 60 – 65%, nhiều thời điểm, công ty dùng giải pháp làm thêm giờ nhưng vẫn không đáp ứng được tiến độ giao hàng cho đối tác.
Các chuyên gia đã đưa ra 6 giải pháp: Chuyển từ sản xuất theo lô sang dòng một sản phẩm liên tục giúp giảm được di chuyển giữa 3 công nhân, giảm thao tác mở, đóng túi của nhân viên kiểm tra; giảm việc kiểm tra lại của nhân viên kiểm tra sau bao gói bằng sử dụng cân định lượng và kiểm tra date ngay từ khâu in bao bì; quy hoạch lại toàn bộ nhà xưởng theo dòng chảy, giảm thiểu việc đi lại trong phân xưởng; thay đổi cách làm của khâu đóng gói để tang năng suất, bổ sung máy in laze thay thế CN máy dán kiểm tra date. Quy trình chuẩn cuối cùng thu gọn còn: Thao tác trên bàn, đẩy thẳng vào thùng đóng gói; lắp Censor đếm thay thế cho nhân viên bóc bao gói kiểm tra; sau khi đóng gói, dùng cân tự động loại ra gói đóng thiếu. Như vậy, tại khâu đóng gói, đã giảm từ 25 hoạt động xuống còn 15; vận chuyển từ 5 hoạt động còn 2; chờ, làm lại từ 8 hoạt động còn 2; kiểm tra từ 6 hoạt động còn 5.
Nói về kết quả đạt được, ông Lê Bạch Long – Tổng giám đốc Công ty TNHH Nam Long cho biết: Trước đây, hoàn thành 80.000 đôi/12 tiếng; sau cải tiến, hoàn thành 115.000 đôi/10 tiếng với số lượng công nhân không thay đổi; năng suất lao động tăng 1,7 lần (tăng 73%). Nếu như trước đây, bộ phận bao gói quá chậm, không đáp ứng yêu cầu nên bộ phận sản xuất phải tháo 30% khuôn thì hiện tại, đã lắp đủ toàn bộ khuôn, chạy 100% công suất. Do năng suất tăng, công nhân không phải làm thêm giờ, thu nhập của công nhân ở khu vực bao gói tăng khoảng 40%…