Cải tiến năng suất tại doanh nghiệp: Không ngừng nhân rộng các mô hình kiểu mẫu

Sau gần 10 năm triển khai Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa cho doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”, đến nay đã xuất hiện nhiều mô hình áp dụng thí điểm các hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến năng suất tiên tiến, hiện đại. Đặc biệt, những mô hình này đã mang lại những hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

q-3-480x270

Tính đến tháng 12/2018, Việt Nam có hơn 11.000 TCVN và khoảng trên 700 QCVN.

  1. Phổ biến tiêu chuẩn, quy chuẩn cho doanh nghiệp

Thống kê cho thấy, tính đến tháng 12/2018, Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) hiện hành của Việt Nam có hơn 11.000 TCVN và khoảng trên 700 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) thuộc các lĩnh vực liên quan đến vệ sinh, an toàn, sức khoẻ, an ninh, môi trường, đáp ứng được yêu cầu phục vụ quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương, nhu cầu của xã hội, doanh nghiệp.

Liên quan đến hoạt động này, Dự án “Xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật” thuộc Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” được phê duyệt tại Quyết định số1041/QĐ-TTg ngày 1/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ có nhiệm vụ phải tổ chức “Phổ biến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn áp dụng cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hàng hóa chủ lực”.

Điển hình trong thực hiện dự án này, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam đã tổ chức 99 hội nghị phổ biến 936 TCVN, 19 QCVN cho gần 3.900 doanh nghiệp với các TCVN, QCVN trong các lĩnh vực sản phẩm hàng hóa chủ lực.

Bên cạnh đó, cũng có các TCVN, QCVN mới công bố và ban hành và các lĩnh vực được xã hội và doanh nghiệp quan tâm như: TCVN về khí thiên nhiên, TCVN về phòng cháy chữa cháy, nhiên liệu sinh học, quản lý môi trường, công nghệ thông tin, truy xuất nguồn gốc…

2. Nhiều mô hình điểm về cải tiến, nâng cao năng suất

Nhận thức rõ tầm quan trọng của áp dụng các công cụ cải tiến, thời gian qua đã xuất hiện nhiều mô hình điểm tại doanh nghiệp đã được triển khai thành công. Điển hình như áp dụng phương pháp quản lý MFCA (Hạch toán Chi phí dòng nguyên liệu) tại Công ty Cổ phần kết cấu thép Đại Dũng miền Trung.

Ông Võ Đình Tân – Đại diện Công ty Cổ phần kết cấu thép Đại Dũng miền Trung cho biết, trong quá trình sản xuất, công ty Công ty đã áp dụng MFCA để kiểm soát nguồn nguyên vật liệu tốt nhất, nhờ đó giảm thiểu tối đa phần phế liệu chảy ra trong quá trình sản xuất.

“Hiện trạng trước khi áp dụng MFCA, các nguyên vật liệu của công ty như thép thấm, thép hình chưa được kiểm soát chặt chẽ và bị lãng phí, tạo ra những sản phẩm sai hỏng, chờ tận dụng và có những sản phẩm là không tận dụng được”, ông Tân nói.

Để giảm chi phí cho doanh nghiệp và tránh bị lãng phí, Công ty đã phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp vừa và nhỏ 2 đã nghiên cứu, triển khai công cụ MFCA trong 6 tháng. Tiến hành phân tích dòng chảy nguyên liệu, nhóm phụ trách MFCA tại Công ty đã chia quy trình sản xuất thành 7 công đoạn; trong đó, chi phí lớn nhất nằm ở công đoạn 1 và công đoạn 7.

Ông Tân tính toán, chi phí trước khi áp dụng MFCA ở công đoạn 1 là 31.963.000 đồng, đối với lô sản xuất 15 cây kèo đỉnh; còn chi phí ở công đoạn 7 là 394.000 đồng. Sau khi áp dụng MFCA, chi phí ở công đoạn 1 đã giảm 14% và giảm 50% ở công đoạn 7. Nếu nhân với số lô sản xuất, thì ước tính, trong 1 tháng, MFCA giúp tiết kiệm được 117 triệu đồng và 1,4 tỷ đồng/năm.

Một điển hình khác về áp dụng công cụ cải tiến năng suất là Công ty Cổ phần Cao su Hà Nội. Ông Phạm Hồng Việt – Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Hà Nội cho biết: Ông đã từng tiếp cận với ISO 9000 từ rất sớm và đặc biệt ấn tượng với phiên bản mới nhất ISO 9001:2015 vì mang tính linh hoạt cao hơn so với các phiên bản cũ. Trước đây, nhiều doanh nghiệp cho rằng, ISO 9001 là những quy định máy móc, một “công thức” về thiết kế hệ thống quản lý chất lượng. Tuy nhiên, mỗi doanh nghiệp có định hướng riêng, loại hình kinh doanh sản xuất riêng, do đó ISO 9001:2015 yêu cầu các doanh nghiệp phân tích bối cảnh doanh nghiệp mình hiện tại và tương lai để có cách tiếp cận phù hợp, hiệu quả.

Theo ông Tân, doanh nghiệp muốn áp dụng các công cụ cải tiến, hãy áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9000 trước; đồng thời, cần hoạch định kế hoạch rõ ràng và cần có sự quyết tâm, nỗ lực rất lớn từ Ban Lãnh đạo đến người lao động để triển khai các dự án cải tiến hiệu quả.

Khác với các mô hình cải tiến ở trên, Công ty TNHH Công nghệ COSMOS đã áp dụng công cụ cải tiến Lean qua đó giúp tiết kiệm chi phí và giảm lãng phí. Ông Ngô Văn Thắng – Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ COSMOS cho biết: Công ty TNHH Công nghệ COSMOS tiếp cận công cụ cải tiến LEAN từ năm 2016 khi mà cùng thời điểm, các doanh nghiệp cùng ngành (cung cấp linh kiện cho HONDA) chưa áp dụng nhiều, nhưng hiệu quả chưa rõ rệt. Ban Lãnh đạo đã quyết định cứ cán bộ đi học các khóa học về Lean Six Sigma để học viên có thể tiếp thu trực tiếp kiến thức, nâng cao trình độ và có thể tự thực hiện dự án cải tiến tại doanh nghiệp.

Với sự cam kết của Ban Lãnh đạo, sự quyết tâm của người lao động, trong năm 2018, Công ty đã nhận được hơn 3.000 đề án cải tiến và trong số đó có hơn 1.000 đề án cải tiến năng suất được triển khai; qua đó, đã giúp Công ty tiết kiệm được trên 5 tỷ đồng. Để làm được điều này, Công ty đưa ra mục tiêu mỗi nhân viên có 1 đề tài/tháng, cán bộ cấp tổ trưởng trở lên sẽ có 2 đề tài/tháng. Người có càng nhiều ý tưởng sẽ được càng nhiều điểm và có phần thưởng tương xứng. Phần thưởng không nhất thiết dành cho những dự án đã triển khai hiệu quả mà có thể dành cho những ý tưởng mà Ban Lãnh đạo nhận thấy khả thi…

Be Sociable, Share!

*

*

Top